TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SANKO VIỆT NAM
Lầu 3, Tòa Nhà Phụ Nữ, số 20, Nguyễn Đăng Giai, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM

Kịch Kabuki

06/11/2018

Kabuki「歌舞伎​」là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch Noh「能」và kịch rối Bunraku「文楽」. Kabuki ra đời vào đầu thế kỷ 17 dưới hình thức biểu diễn tạp kỹ, sau đó trở thành một loại hình kịch nghệ được ưa chuộng nhất trong thời kỳ Edo (1603-1868).

Lịch sử của Kabuki bắt đầu vào năm 1603, khi Izumo no Okuni「出雲阿国」ở đền Izumo-taisha「出雲大社」bắt đầu biểu diễn một phong cách múa kịch mới ở những lòng sông khô cạn tại Kyoto. Các nữ diễn viên đóng vai cả nam lẫn nữ trong các vở hài kịch về cuộc sống đời thường. Thể loại này ngay lập tức đã trở nên phổ biến, các đoàn kịch cạnh tranh đã nhanh chóng hình thành, và Kabuki được ra đời với những vở kịch chỉ được diễn bằng diễn viên nữ – rất khác so với Kabuki ngày nay. Phần lớn sự hấp dẫn của Kabuki trong thời đại này đến từ các chủ đề thô tục, gợi tình và Kabuki càng hấp dẫn khán giả hơn bởi các nữ diễn viên cũng thường kiêm thêm nghề mại dâm.

Kabuki đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến thời Edo. Nơi diễn Kabuki là nơi mọi người tập trung xem biểu diễn, xem các xu hướng ăn mặc mới nhất và các sự kiện vừa mới diễn ra. Các buổi trình diễn diễn ra từ sáng đến tối. Khu vực xung quanh rạp diễn luôn đông đúc với các cửa hàng bán đồ về Kabuki. Tuy nhiên, Mạc phủ không chấp nhận Kabuki. Kabuki nữ, được gọi là Onna-kabuki「女歌舞伎」, đã bị cấm vào năm 1629 vì quá khiêu dâm.
 

Vì Kabuki quá nổi tiếng, các nam thanh niên cũng bắt đầu tham gia Kabuki, gọi là Wakashuu-kabuki「若衆歌舞伎」, nội dung cũng kịch tính hơn thay vì chỉ biểu diễn các điệu múa, nhưng vì họ hành nghề mại dâm cho cả nam và nữ, nên chính phủ cũng cấm luôn Wakashuu-kabuki vào năm 1652.

Kabuki chuyển sang diễn viên nam trưởng thành, được gọi là Yaro-kabuki「野郎歌舞伎」. Nam diễn viên đóng vai cả nam lẫn nữ. Rạp kịch vẫn còn phổ biến, và vẫn tập trung vào lối sống của người dân thời đó. Các diễn viên nam chuyên đóng các vai nữ được gọi là Onnagata (hay Oyama)女形. Các Onnangata lập gia đình và thường truyền lại nghề cho con cháu sau này.
 
 
Vào đầu giai đoạn Genroku (1688-1704), kabuki đã trở thành một loại hình kịch nghệ nghiêm túc. Các vai diễn cũng như kịch bản trở nên phức tạp hơn và nghệ thuật diễn xuất được chú trọng. Trong thời kỳ này xuất hiện nhà viết kịch vĩ đại nhất của Nhật là ông Chikamatsu Monzaemon「近松 門左衛門」.
 
 
 

Ông đã dành trọn cuộc đời mình để phát triển kabuki thành một loại hình nghệ thuật và người ta gọi ông là “Shakespeare của Nhật Bản”. Kabuki phát triển thành 3 thể loại: Jidai-mono「時代物」là những kịch lấy bối cảnh lịch sử với nhiều vai diễn, Sewa-mono「世話物」thường mô tả cuộc sống của tầng lớp thị dân, và Shosagoto「所作事」gồm những màn múa và diễn kịch không lời.
 

Sau thời kỳ hoàng kim tại khu vực Kyoto-Osaka vào cuối thế kỷ 17, sự hâm hộ dành cho kabuki giảm sút vì kịch rối Bunraku thăng hoa. Maruhon-mono「丸本物」, hay những vở Kabuki phỏng theo các vở kịch rối, được tung ra để lôi kéo những khán giả đang đổ sang các rạp Bunraku. Kết cấu logic chặt chẽ và cách mô tả nhân vật một cách thực tế của Bunraku có ảnh hưởng lớn đến kịch Kabuki. Lối kể chuyện và sử dụng nhạc trong Bunraku được áp dụng cho các vở kịch Kabuki, và thậm chí những kỹ thuật sân khấu của Bunraku, ví dụ như cách di chuyển độc đáo của các con rối, cũng được các nghệ sĩ kabuki bắt chước. Hiện nay, đến một nửa các vở kịch Kabuki là mô phỏng các vở kịch rối Bunraku.

Nhưng tiếp theo giai đoạn khuynh đảo và chiếm lĩnh các sàn diễn trong nửa đầu thế kỷ 18, Bunraku sa sút nhanh chóng ở khu vực Kamigata (khu vực xung quanh Osaka) nên kabuki nắm ngay lấy cơ hội này để giành lại sự ủng hộ của tầng lớp thị dân. Một trong những tác gia lừng danh lúc đó là ông Namiki Shozo「並木正三」. Ông cũng chính là người sáng tạo ra sân khấu quay Mawaributai「回り舞台」.
 
 
Vào đầu thời kỳ Minh Trị xuất hiện một thể loại Kabuki gọi là Zangiri-mono「散切物」, với những nhân vật binh sĩ mặc quân phục kiểu phương Tây và các nhân vật Onnagata mặc váy đầm. Song các vở kịch này không thu hút được khán giả. Nhiều nghệ sĩ kêu gọi gìn giữ kabuki cổ điển truyền thống, tiếp tục trình diễn các vở nổi tiếng và xúc tiến đào tạo thế hệ trẻ. Tuy nhiên, họ cũng thể nghiệm các vở theo trào lưu Shin Kabuki「新歌舞伎」của những nhà viết kịch hiện đại, những người đã tự do lồng vào Kabuki nhiều yếu tố mà họ học được từ kịch phương Tây.
 
 

 
 
Sau thế chiến 2, kabuki vẫn được ưa chuộng. Các vở kịch vĩ đại của thời Edo cũng như nhiều vở kinh điển hiện đại được trình diễn tại nhà hát Kabukiza「歌舞伎座」và nhà hát quốc gia ở Tokyo. Song, trừ Nhà hát quốc gia tiếp tục diễn trọn vở (thường dài khoảng 5 tiếng đồng hồ), các nhà hát kabuki cắt ngắn các vở kịch đi rất nhiều, nhất là ở Kabukiza (một rạp nổi tiếng tại khu Ginza ở Tokyo) thường chỉ là các hồi, các cảnh được ưa thích nhất, diễn cùng với một số vở kịch múa. Việc các nghệ sĩ kabuki tham gia diễn trong cả các thể loại kịch nghệ khác và việc phát kịch kabuki trên truyền hình cũng góp phần làm tăng mối quan tâm đến môn nghệ thuật truyền thống này.
 
 
Điểm khác biệt lớn nhất của Kabuki so với Noh hay các vở kịch phương Tây chính là đôi khi cá tính của diễn viên được xem trọng hơn vai diễn trong vở kịch. Ví dụ như khi diễn Jack Dawson, vai chính của bộ phim Titanic, Leonardo DiCaprio đã hoàn toàn nhập tâm vào vai diễn và trở thành một Jack Dawson thực sự. Noh thì là một loại hình kịch nghệ không cần đến cá tính diễn viên. Còn trong Kabuki, đôi lúc giữa vở kịch diễn viên sẽ ngừng diễn xuất, thay vào đó là chào hỏi khán giả với tư cách diễn viên. Đây là một đặc trưng hiếm thấy ở những loại hình kịch khác. Kabuki rất coi trọng cá tính của diễn viên. Diễn viên không chỉ hóa thân vào vai diễn mà hơn thế nữa, họ cần phải biết cách phát huy cá tính của mình như thế nào đó để đem lại những điều thú vị cho khán giả.
 
 
 
Chính vì hướng đến tầng lớp bình dân mà Kabuki đã trở thành một hình thức kịch phô trương hào nhoáng, khó có thể bắt gặp trong những nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản khác. Ví dụ như khi so sánh với Noh, cũng là một hình thức nghệ thuật truyền thống, có thể thấy động tác của diễn viên Kabuki rất phô trương, cả trang phục và cách trang điểm gọi là Kumadori隈取cũng vô cùng sặc sỡ. Bên cạnh đó, cốt truyện cũng thú vị như các vở kịch truyền hình hoặc truyện tranh. Dĩ nhiên là có những lúc căng thẳng đến mức nghẹt thở, nhưng cũng không thiếu tiếng cười, cảnh giường chiếu, cảnh ẩu đả và những thú vui bình dân khác, khiến bạn có thể cất đi những gánh nặng trên vai để thưởng thức. Kabuki vốn không phải là một sân khấu kịch chính thống dành cho những người có hiểu biết sâu sắc về Kabuki nên nhất định bạn hãy đến xem một lần cho biết nhé.
 
Ad: LH

※​-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------※​​
(≧∇≦)O      Share mạnh bài viết cho bạn bè của mình cùng biết nào !!!      O(≧∇≦)
※​-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------※​​​

Trường Nhật ngữ SANKO Việt Nam

Lầu 3, Tòa nhà Phụ nữ, số 20, Nguyễn Đăng Giai, P. Thảo Điền, Quận 2, TPHCM
Hotline: 0903 308 962
Email: sanko@sgi-edu.com
Website: 
nhatngusanko.com

Bạn có thể để lại "Họ Tên, SĐT, nội dung cần tư vấn", bên trường sẽ liên hệ với bạn để giải đáp thắc mắc cho bạn trong thời gian sớm nhất

Đăng ký học ở form dưới đây

Các tin bài khác