Thái tử Shotoku là con trai thứ hai của Thiên hoàng Yomei「用明天皇」. Sinh thời thì tên thật của ông là Umayato「厩戸」và còn có các tên khác như Toyosatomimi「豊聡耳」hay Kamitsumiyaou「上宮王」.
Năm 20 tuổi Thái tử Shotoku trở thành quan nhiếp chính cùng với đại thần Soga no Umako「蘇我 馬子」trợ giúp Thiên hoàng Suiko「推古天皇」điều hành chính trị. Trong thời gian nắm quyền, Thái tử Shotoku đã thực thi nhiều công việc chính trị quan trọng như biên soạn “Hiến pháp 17 điều”, tạo ra “12 vương vị” xác lập thân phận, địa vị của quan lại, quý tộc và cử người sang nhà Tùy (Trung Quốc) học tập văn hóa, chế độ chính trị. Là người sùng đạo phật, Thái tử Shotoku còn tham gia vào việc chú thích Pháp hoa kinh và xây dựng các ngôi chùa như Ikaruga-dera「斑鳩寺」, xúc tiến mở mang Phật giáo trong dân chúng.

Cùng với nội trị, Thái tử Shotoku đặc biệt quan tâm tới giao lưu với Trung Quốc. Năm 607 Thái tử Shotoku hai lần gửi sứ sang nhà Tùy. Người được cử đi sứ là Onono Imoko「小野 妹子」. Lúc này nhà Tùy dưới thời Dưỡng Đế đang rất mạnh. Thái tử Shotoku muốn giao lưu với nhà Tùy để học cách tổ chức chính trị mới cùng học thuật, kĩ thuật của đại lục. Khi đến nhà Tùy, Onono Imoko có mang theo quốc thư trình lên Tùy Dưỡng Đế. Bức thư viết: “Thiên tử nước mặt trời mọc gửi lời chào tới thiên tử nước mặt trời lặn”. Bức thư làm Dưỡng Đế nổi trận lôi đình vì nhà Tùy luôn coi Nhật Bản là nước chư hầu. Tuy nhiên khi đó Tùy đang có ý định tấn công Cao Ly nên cố kiềm chế để giữ quan hệ hòa hảo với Nhật. Năm 608 khi Onono Imoko trở về Nhật Bản, vua Tùy đã cử sứ thần đi theo đáp lễ. Sau khi sứ thần nhà Tùy về nước được 5 tháng, Thái tử Shotoku lại cử Onono Imoko đi sứ sang Tùy. Lần này trên thuyền còn có thêm 4 lưu học sinh cùng 4 nhà sư được cử đi du học. Tám người đã học ở Trung Quốc dưới thời nhà Tùy rồi nhà Đường trong thời gian 20, 30 năm trước khi trở về Nhật Bản và hoạt động tích cực trong cuộc cải cách mang tên “cải cách Taika - Taika no Kaishin「大化の改新」” sau này.

Vai trò trung tâm của Thái tử Shotoku trong việc xây dựng nhà nước trung ương tập quyền và văn hóa Phật giáo là quá rõ nhưng xung quanh con người Thái tử vẫn còn vô số những điều chưa được làm sáng tỏ. Nhiều người Nhật xem ông như con người huyền thoại. Các cuốn sách cổ như Nihon Shoki「日本書紀」, “Nihon Ryouiki「日本霊異記」”, “Fusou Ryakki「扶桑略記」” đều có ghi chép về năm sinh năm mất của ông nhưng chi tiết về ngày mất thì không thống nhất. Cả cái tên Shotoku cũng gây nhiều tranh cãi. Các học giả tên tuổi như Ienaga Saburo「家永 三郎」cho rằng cái tên Shotoku Taishi là cái tên lý tưởng thể hiện sự tôn kính của người đời được tạo ra sau khi ông mất. Người ta còn truyền rằng Thái tử Shotoku có trí thông minh hơn người vì thế khi điều hành việc nước một lúc ông có thể nghe 10 người bẩm việc. Ngôi chùa Ikaruga-dera còn gọi là Horyu-ji「法隆寺」do ông cho xây dựng ở Nara hiện vẫn còn dù đã qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa này được coi là tòa nhà làm bằng gỗ có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Thái tử Shotoku còn là một đối tượng thờ cúng của người dân Nhật Bản từ lâu. Sợ thờ cúng này chiếm một vị trí trong tư tưởng mà chính thái tử đã sáng tạo ra.Thái tử một mặt cống hiến tối đa cho việc phổ Đạo Phật từ ngoài truyền vào, mặt khác đã có sự nghiệp to lớn đó là tạo ra cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, phong cách áp dụng văn hóa một cách chọn lọc chính ảnh hưởng lớn nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ vị Thái tử này.
Ad: LH
※-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------※
O(≧∇≦)O Share mạnh bài viết cho bạn bè của mình cùng biết nào !!! O(≧∇≦)O
※-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------※
Trường Nhật ngữ SANKO Việt Nam
Lầu 3, Tòa nhà Phụ nữ, số 20, Nguyễn Đăng Giai, P. Thảo Điền, Quận 2, TPHCM
Hotline: 0903 308 962
Email: sanko@sgi-edu.com
Website: nhatngusanko.com
Bạn có thể để lại "Họ Tên, SĐT, nội dung cần tư vấn", bên trường sẽ liên hệ với bạn để giải đáp thắc mắc cho bạn trong thời gian sớm nhất